Kinh nghiệm chọn mua laptop cho học sinh – sinh viên

Máy tính, laptop đã trở thành một phần không thể thiếu đối với con người, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, giữa vô vàn các loại laptop trên thị trường thì việc tìm ra một chiếc laptop đáp ứng những nhu cầu khác nhau của sinh viên thật không phải là điều đơn giản. Trong bài viết dưới đây, Hoang Phuc Computer sẽ chia sẻ đến các bạn một số kinh nghiệm trong việc chọn mua laptop phù hợp cho sinh viên.

Về hệ điều hành:

Tất cả các phần mềm thực hành lẫn dùng để giảng dạy và học tập của các trường đại học (cho đến hiện tại) đều hỗ trợ tốt nhất cho hệ điều hành Windows. Đối với MacOS thì có một số phần mềm chưa tương thích tốt, cách cài đặt và chạy có phần rườm rà, đôi khi xảy ra lỗi không mong muốn, nhất là đối với dòng Macbook sử dụng Apple Silicon M1 M2 (Macbook từ năm 2020 trở đi). Do đó, nếu bạn mua với mục đích chính là học tập thì nên ưu tiên chọn các máy tính dùng hệ điều hành Windows, ổn định nhất là Windows 10, Windows 11 sẽ có một số lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng (vì hệ điều hành cũng được ra mắt và sử dụng gần đây nên nhà sản xuất sẽ sửa lỗi dần).

Về CPU (trên máy tính Windows):

Hiện tại trên thị trường có hai nhà sản xuất CPU lớn là Intel và AMD. Đánh giá về tính hiệu quả thì CPU của hai hãng này gần như nhau.
So sánh trên nhu cầu sử dụng cho mục đích chính là học tập và một số nhu cầu cơ bản khác như xem phim, lướt web, office và xử lý đồ họa cơ bản:

  • Intel cho hiệu năng ổn định và tính tương thích phần mềm cao, tuy nhiên lại nóng và có thời lượng pin kém hơn. AMD cho hiệu năng tương đối tốt và tính tương thích với phần mềm chưa ổn định, hay bị lỗi vặt, nhưng bù lại ít nóng hơn và cho thời lượng pin tốt hơn đôi chút. Tuy nhiên, sự khác biệt là không đáng kể đối với nhu cầu trên nên không cần quá quan trọng vấn đề này, nhưng xét tính ổn định về lâu dài thì nên chọn Intel. Cả hai chỉ có khác biệt khi bạn thực hiện những dự án lớn, chẳng hạn như build một ứng dụng Android thì Intel cho hiệu suất tốt hơn, còn khi render video thì AMD cho hiệu suất tốt hơn.
  • Đối với Intel, nên chọn laptop sử dụng CPU Core i thế hệ 8 trở lên. Đối với AMD, hãy chọn CPU thế hệ 4 trở lên. Chữ số đầu tiên sau cụm “Core i 3/5/7/9” và “AMD Ryzen” chính là thế hệ của CPU (đối với thế hệ 10 của Intel trở lên là hai chữ số).
    Hãy quan tâm một chút đến hậu tố của CPU. Đối với nhu cầu sử dụng bình thường thì chỉ cần CPU có hậu tố U hoặc G (Intel Core i thế hệ 11) là quá đủ, U đại diện cho “Ultra Power Saving” (Siêu tiết kiệm điện), dòng CPU này cho hiệu suất tương đối ổn, đổi lại là thời lượng pin tốt. Đối với nhu cầu nặng hơn, chẳng hạn như chơi game nặng, xử lý đồ họa chuyên sâu,… thì nên chọn CPU có chứa hậu tố H, đại diện cho “High Performance” (Hiệu năng cao), đúng như cái tên, dòng CPU này cho hiệu suất cao, nhưng bù lại là thời lượng pin kém và nóng máy.

Về RAM và ổ cứng:

Nếu có điều kiện, hãy chọn cấu hình máy tối thiểu có RAM 16GB và ổ cứng SSD (đừng chọn HDD nhé) 512GB, nhiêu đó đã là quá đủ để đáp ứng nhu cầu của 4 năm đại học. Hoặc tài chính của bạn không dư dả, thì chỉ cần một chiếc máy RAM 8GB, ổ cứng SSD 512GB và quan trọng nhất là có khả năng thay RAM hoặc có chỗ gắn thêm RAM.

Về GPU:

Chúng ta có GPU tích hợp và GPU rời (hay card đồ hoạ). Đối với nhu cầu sử dụng bình thường, không chơi game có đồ họa ảo diệu hay xử lý đồ họa chuyên sâu, thì GPU rời là không cần thiết vì GPU tích hợp trên các mẫu máy bây giờ đã quá mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn có một GPU rời đáp ứng đa số nhu cầu, thì nên chọn laptop sử dụng GPU của NVIDIA.

Vỏ nhựa hay vỏ kim loại?

Tất nhiên nên ưu tiên vỏ kim loại vì khả năng tản nhiệt tốt và sang trọng. Hãy ưu tiên vỏ nhôm thay vì những vật liệu khác (như magie, hợp kim magiê,…).

Tần số quét cao hay độ sáng màn hình cao?

Đối với nhu cầu bình thường, tần số quét cao không đem lại quá nhiều khác biệt. Nếu bạn không thường xuyên chơi game hardcore thì hãy chọn những máy tính có độ sáng màn hình cao, ít nhất phải trên 300 nits. Và nếu có thể thì hãy ưu tiên chọn màn hình gương thay vì màn hình chống chói.

Cân nặng, hiệu năng hay hiệu quả tản nhiệt?

Đa số các bạn mới mua máy sẽ dính phải các chiêu trò kiểu như “laptop mỏng nhẹ nhưng cấu hình mạnh mẽ” của các nhà sản xuất. Điều này là có thể, nhưng nó chỉ tồn tại đối với các mẫu máy cực kỳ cao cấp, và độ mỏng nhẹ cũng phải ở một mức nhất định, chẳng hạn như thường sẽ nặng khoảng 2kg trở lên. Việc nhồi nhét một cấu hình mạnh mẽ vào một thân hình nhỏ bé là phí phạm và bạn sẽ không tận dụng được hết hiệu năng của nó, mà ngược lại, khi ép máy tính phát huy hết hiệu quả của bộ xử lý, bạn đang trực tiếp làm giảm tuổi thọ lẫn độ bền của nó vì lý do bộ xử lý thường xuyên bị quá nhiệt. Vậy nên hãy chọn một chiếc máy có cân nặng phù hợp để có hiệu quả tản nhiệt tốt nhất. Với một chiếc máy văn phòng tiêu chuẩn thì càng nhẹ càng tốt (nhưng không phải vỏ bằng nhựa), còn đối với máy hiệu năng cao, cân nặng của máy ít nhất nên từ 2kg trở lên và vỏ không nên bằng nhựa.

Chúc các bạn các bạn chọn được chiếc laptop phù hợp nhất cho mình.

Nguồn: internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *